Wednesday, October 24, 2007

Quà Tết

Tác giả: Trần Thanh Giao


Những ngày giáp Tết Đinh Hợi 2007, ta chạy xe ngoài đường thấy đông đặc những người, những xe, với hoa quả, bánh trái… trong số đó, không ít là những thứ quà thiên hạ đang mang đi biếu xén, mừng Tết… “vào wờ-tô”. Tết “wờ-tô” hình như cũng có khác hơn những Tết trước đây. Khác và giống chỗ nào, ta thử quan sát xem…

Theo tục lệ người Việt Nam thì ngày Tết nguyên đán là ngày Tết to nhất trong một năm, dịp đó, mọi người đều cố làm những việc mà mình ước muốn có được trong năm mới, cho gia đình, bạn bè, người thân… Từ xa xưa, quà Tết đã mang nhiều ý nghĩa và mọi vật dụng vật chất cũng như tinh thần đều có thể dùng làm quà Tết. Có một chuyện chẳng rõ là sự thật hay truyền thuyết: Tết đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ vào Thăng Long trong áo bào sạm mùi thuốc súng đã gửi ngay một cành đào miền Bắc về làm quà cho công chúa Ngọc Hân đang ở phương Nam! Người được giao nhiệm vụ tặng quà phi ngựa trên đường thiên lý, bất kể ngày đêm, đổi ngựa từng trạm, đem cành đào chắc là tuyệt đẹp về Phú Xuân trong niềm vui mừng đón “báo tiệp thì” của cô công chúa đã nhiều năm xa kinh thành yêu dấu! So với phát chuyển nhanh EMS ngày nay chẳng biết cái nào nhanh hơn? Chuyện quà Tết này nói lên nhiều ý nghĩa, có thể viết thành truyện ngắn để đăng báo Tết với nhiếu chủ đề, trong đó, ta có thể lẩy ra chủ đề “văn hóa tặng quà”! Nét chính của văn hóa tặng quà là người tặng hiểu sâu sắc những ước muốn của người nhận để đáp ứng qua một cách thức vừa thân tình vừa quí trọng. Tết “wờ-tô” này, từ Hà Nội, cành đào “báo tiệp tin ra biển lớn” phải chăng đã về khắp miền đất nước, trong đó có mỗi gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh? Và người nhận quà phải chăng đã hiểu hết ý nghĩa và giá trị của món quà đó?

Từ xưa, mỗi khi Tết đến, người Việt Nam thường tặng nhau quà. Hàng xóm láng giềng thân tình thì sau khi thức canh nồi bánh chưng, bánh tét, người ta chọn vài cái đẹp mang sang nhà biếu nhau. Hoặc biếu dưa hấu, bánh mứt tự nhà mình làm. Còn con gà, chai rượu ngoại đắt tiền, hay những thức có giá trị cao khác thì phải là những gia đình có quan hệ mật thiết như sui gia, hoặc thầy trò, hay cháu con biếu người trưởng thượng. Ở Nam bộ, người dân quê thực thà, chất phác có khi tặng nhau chai dầu ăn với ngụ ý chúc cho hàng xóm sang măm mới phát tài (dầu: giàu). Cũng như khi sắp mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, người ta chọn mãng cầu (cầu), quả dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài, với ước mong đơn giản thật dễ thương là cầu vừa đủ xài! Thời buổi thị trường nhiều thứ hàng lạ cũng trở thành quà Tết: bánh hộp thiếc với những hình vẽ cảnh vật nước ngoài sặc sỡ, to mà gọn, lại đẹp; lịch treo tường với phong cảnh hay hoa, hay thiếu nữ xinh đẹp, in giấy láng, màu sắc rực rỡ cũng được ưa chuộng một thời… Đối với trẻ con thì quà Tết lại càng không thể thiếu: nếu ngày xưa một chiếc áo mới là niềm mơ ước cuối năm thì giờ đây phải là áo quần mô-đen mới, những món quà mới như đồ chơi điện tử có thứ có già mấy triệu đồng… Tôi nhớ mãi tuổi ấu thơ của mình khi sáng mồng một mặc quần áo mới đứng khoanh tay trước mặt ông bà cha mẹ chúc Tết và được nhận những đồng tiền lì xì mang đi mua pháo chuột hay chơi bầu cua cá cọp… Pháo chuột nhỏ như que diêm nhưng đốt nổ cũng dòn dã lắm lại không sợ bị tét tay như khi đốt pháo điễn. Còn bầu cua cá cọp là trò chơi lắc xúc xắc với những hình vẽ các con vật tương ứng. Ăn thua chẳng có bao nhiêu mà vui thiệt là vui. Lì xì là một tục lệ hay. Sao lại gọi lì xì? Có người nói nhà văn Sơn Nam bảo đó là âm Quảng Đông của chữ Hán Việt “lợi thị” (cầu cho lợi lộc vào) nhưng nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh cười bảo: “Cái đó tôi nói với ông Sơn Nam”! Lì xì là thứ quà Tết mà trẻ con thời nào cũng mong ước… dù là trước hay sau “wờ-tô”. Vấn đề là liều lượng và ý nghĩa. Đốt pháo cũng vậy. Đó là một tục lệ thiệt hay. Ai mà không ghi đậm trong ký ức, trong tiềm thức nỗi vui sướng khó tả khi lần đầu trong đời nghe pháo Tết. Ký ức đẹp đẽ lạ lùng đó được lưu giữ suốt đời, nhất là cho những ai rời xa đất nước. Tiếc rằng người ta đã đẩy chuyện lì xì đi quá xa, mượn những tục lệ tốt đẹp để làm chuyện khoe của thậm chí là hối lộ, tham nhũng, còn đốt pháo quá mức gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe thậm chí là sinh mạng người khác, gây lãng phí tiền của vô lối đến nỗi đốt pháo đã bị cấm. Đó cũng là một kiểu “vô văn hóa” trong ứng dụng tục lệ Tết của người xưa.

Có “văn hóa tặng quà” thì cũng có “văn hóa nhận quà”. Người được quà Tết thường nhận quà với thái độ vui mừng, trân trọng món quà cũng tức là trân trọng tấm lòng, ước mong của người biếu. Người nhận quà Tết thường cảm ơn ngưởi cho quà bằng một thứ quà Tết khác. Có những món quà làm người nhận rất cảm động và mong muốn đáp lại cho xứng với tấm lòng người cho. Tôi biết một trường hợp thế này: Có một anh ở Sài Gòn ra Hà Nội để đi Trung Quốc. Anh gặp cô em vẫn quen thân qua công tác, hiểu và quí nhau. Cô em bảo cô cũng vừa đi Trung Quốc về, còn dư ít nhân dân tệ, biếu anh sang bên ấy mà dùng. Cô lật sổ tay lấy tiền đưa anh, anh nhìn thấy số tiền không nhỏ, rất cảm động nhưng cũng băn khoăn. Suy nghĩ mãi không biết làm sao, từ chối không tiện mà đổi tiền cho cô thì cũng dở, người ta hồn nhiên và thân quí thế mà… Anh cầm tiền theo và sang đến nơi, anh mua một món quà quí, tương xứng với tấm lòng của cô em, đem về tặng lại. Phải nói là cô em rất cảm động, vừa mừng vì món quà, vừa mừng vì tấm lòng quí mến nhau, nghĩ đến nhau…Thế nhưng trong cuộc sống, không phải lúc nào người ta cũng biết như vậy. Ngày xưa, có một số người giữ địa vị có thể ban phát ân sủng cho người khác thường chờ người mang quà “cống nạp”; hay kênh kiệu, dè bỉu những ai tặng quà không có giá trị cao như mình muốn. Có người khách sáo, bụng thích người đến cho quà nhưng miệng cứ nói lời đẩy đưa, từ chối (vì họ không bao giờ tặng quà đáp lại). Tôi có một người bạn Hà Nội kể rằng ngày bé, khoảng lên mười, cô ấy thường theo mẹ mang quà Tết đi biếu một người trưởng thượng và giàu có trong họ. Vì lễ nghĩa, gia đình cô nghèo nhưng vẫn phải biện đủ chai rượu, con gà sống thiến mang đi. Vị trưởng thượng nọ lần nào cũng “phê bình” mẹ cô “cứ hay bày vẽ” nhưng lần nào cũng mang gà rượu cất vào nhà. Cô tức lắm nên năm đó bàn trước với mẹ… Khi hai mẹ con mang lễ vật tới, vị trưởng thượng vẫn “phê bình”, cô liền nói: “Năm nào ông cũng không muốn nhận quà, bảo mẹ hay bày vẽ, vậy con vâng lời ông, mang gà về mẹ nhé?” Ông trưởng thượng nói mát : “Ừ, cháu mang quà về đi..” Chỉ chờ có vậy, cô bé xách luôn gà về và được anh chị em ở nhà hoan hô! Ngày nay, những người chờ Tết đến để được dịp lấy quà “cống nạp” không phải không còn và giá trị quà “cống nạp” ngày càng lớn, nhiều lúc khó tưởng tượng, vì những mưu cầu đen tối… Tuy nhiên, Tết “wờ-tô” này chắc chắn những người cho và nhận quà kiểu ấy phải giật mình. Vì bao nhiêu kẻ đã vào tù. Vì vận hội, cơ duyên mới đã đến… Nước ta không còn ở vị thế của người phải “cống nạp” như thời xưa. Nhắc lại hình ảnh người phi ngựa mang hoa đào từ Thăng Long vào Phú Xuân, để đối chọi với một hình ảnh “phi ngựa mang quà” khác: Vào thời nước ta lệ thuộc nhà Đường, quả vải Việt Nam là món quà quí, là thứ phải cống nạp để dâng tiến cho… Dương Quí Phi. Dương Quí Phi thèm ăn quả vải Việt Nam, ngồi trên lầu cao trông ngóng… Bao nhiêu người, bao nhiêu ngựa phải ruổi dong suốt chặng đường dài cả chục ngàn cây số, mang vải về cho người đẹp thỏa cơn thèm khát. Lý Bạch đã ghi việc ấy trong mấy câu thơ: “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu / Vô nhân tri thị lệ chi lai…” (Một vó ngựa cuốn bụi hồng khiến nàng quí phi nở cười / Không ai biết đó là vì quả vải đã về đến nơi). Chuyện “tiến” vải đã gây cho dân ta biết bao đau khổ, và là nguyên cớ để Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa thành công. Nhưng tuy đánh thấng quân Thanh, Nguyễn Huệ vẫn cầu phong, vẫn cử người giả mình đi sứ. Để tránh “kiêu ngạo nước nhỏ”… Nay ta cũng phải ngày đêm toan tính, học cha ông mà tránh “kiêu ngạo” vào được “wờ-tô”…

Cho và nhận quà Tết, hoặc cho và nhận quà bất cứ dịp nào trong năm, là một hành vi văn hóa. Vậy nên cần có “văn hóa tặng quà” và “văn hóa nhận quà”. Người Việt Nam có tục cẩn thận trong mọi hành động, ứng xử vào ngày Tết vì nó mang lại điều tốt lành hoặc bị “rông” suốt cả năm. Tết “wờ-tô” này ta nói chuyện tặng quà, vì người xưa có câu: “Cách cho hơn của đem cho”. Câu này có ở phương Đông và ở phương Tây, tức là ở cả trong các nước “wờ-tô”.

No comments: