Wednesday, October 31, 2007

Thị trường rượu Tết: Rượu nhẹ lên ngôi

Cửa hàng rượu mạnh vắng khách

Các cửa hàng bán rượu mạnh do nước ngoài sản xuất trên các phố Hai Bà Trưng, Hàng Buồm, Hàng Da đều kêu trời vì sức mua mặt hàng này giảm nhiều so với mọi năm.

Chị Trần Ánh Tuyết, người kinh doanh bánh kẹo và rượu ngoại ở khu vực chợ Hàng Da cho biết: “Lẽ ra mấy ngày vừa rồi phải bán được rất nhiều hàng mới phải nhưng thực tế lại không hơn ngày thường là mấy”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhu cầu mua rượu mạnh do nước ngoài sản xuất của khách hàng vẫn rất lớn. Tuy nhiên gần đây người tiêu dùng cảm thấy không yên tâm khi mua rượu mạnh. Chị Thanh Bình ở Kim Liên (Q.Đống Đa) bộc bạch: “Đúng là đi Tết có chai rượu “Tây” thì rất sang nhưng năm nay mình không dám mua vì sợ rượu giả.

Ngay gần Tết tivi và báo chí có phản ánh lực lượng quản lý thị trường đã bắt được rất nhiều vụ vận chuyển rượu lậu, trong đó có rất nhiều chai bị làm giả”. Trên thực tế thông tin trên đã tác động đến rất lớn thị trường rượu ngày Tết, khiến sức mua giảm hẳn so với các năm trước. Để an tâm, người tiêu dùng đã tìm đến các sản phẩm rượu vang nhập khẩu từ Pháp.

Trái với tình trạng trầm lắng của thị trường rượu mạnh, thời điểm này mặt hàng rượu vang Pháp có sức mua tăng đột biến. Tại cửa hàng phân phối rượu vang Pháp trên đường Thái Hà, khách ra vào luôn chật kín.

Khoảng 18h-20h do quá đông khách nên cửa hàng đã phải mượn tạm khu vực vỉa hè làm bãi gửi xe. Vang đóng chai giá trên 100.000 đồng và vang trong bình bìa cát-tông là hai loại được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.

Loại rượu vang đựng trong hộp cát-tông nhiều khi không có hàng để bán. Theo nhận xét của người mua thì loại này giá cả cũng vừa phải (loại hai lít có giá 200.000 đồng), hộp lại rất lịch sự nên mua cho gia đình dùng cũng được mà mua đi biếu Tết cũng rất đẹp. Một số người cầu kỳ, muốn sang trọng hơn nên mua thêm chiếc thùng gỗ, trông gần như cái trống con, rất ngộ để cho bình rượu vào.

Theo thói quen từ nhiều năm, nhu cầu mua sắm trong một, hai ngày tới sẽ tiếp tục tăng.

Theo Xuân Toàn
Báo Thanh niên

Tết và chuyện bia rượu

Ta lại tiếp tục seri bài về chuyện Tết. Tết này một trong những điểm khác biệt rõ nhất của ta so với Tết năm ngoái đó là bia rượu. Tết này ta không Karaooke, không tụ tập nhậu nhẹt, chỉ uống một ít vào đêm giao thừa cũng mấy người trong khối, còn lại không đụng đến một tí bia rượu nào cả. Có thể mọi người sẽ cho là Tết núc mà như thế thì kém vui đi. Nhưng ta thì lại không thấy thế. Vui chứ, bắn pháo Hoa đêm giao thừa này, chơi điện tử với thằng em này,...và nhiều nhiều điều vui vẻ khác nữa. Tết này ta cảm thấy ý thức được hơn về sức khoẻ, và ta vẫn cứ giữ nguyên suy nghĩ là rượu chẳng có gì gọi là tốt cho cơ thể của mình cả. Ta biết uống rượu, nhưng chưa bao giờ ta thấy rượu ngon cả. Ta sợ những cơn đau dạ dày lắm rồi. Nhưng tất cả những thứ đó chưa phải là nguyên nhân chính cho việc Tết này ta hạn chế bia rượu. Bố ta dạo này lại hút thuốc, hay uống rượu, sức khoẻ của ông giảm sút một cách rõ rệt. Ta, mẹ ta và em trai ta đã nhiều lần thuyết phục bố bỏ thuốc, hạn chế rượu nhưng bố ta vẫn chưa dứt những thứ đó ra được. Ta sợ một ngày nào đó rồi ta cũng sẽ uống nhiều rượu, mà khi có 2 cái đầu nóng vì rượu trong cùng một mái nhà thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra cả. Hơn nữa, nếu ta cũng uống nhiều rượu thì cũng chẳng hi vọng gì thuyết phục được bố ngừng hút thuốc, giảm rượu bia. Ai đó đã nói rằng: Một thằng con trai không thể không biết uống rượu, ừ thì cứ cho nó là đúng đi, không thể không biết uống, nhưng hạn chế uống thì có thể. Còn gì tuyệt vời hơn cho một sự thay đổi khi nó bắt đầu vào mùa xuân phải không nào? Thế nên ta quyết định sẽ hạn chế việc bia rượu tới mức có thể bắt đầu ngay từ Tết này. Và ta nghĩ ta đã làm đúng...

Nho và rượu nho


Chắc chắn là vào khoảng 3 500 năm trước công nguyên người ta đã biết đến rượu nho. Lịch sử rượu nho của chúng ta bắt nguồn từ người hy lạp mà cách đây 600 năm trước Công nguyên họ đã thành lập ra Marseille và lưu truyền lại nghệ thuật trồng nho từ đó. Ðất và khí hậu
Cho dù nho có thể mọc ở khắp nơi, nhưng người trồng nho chuyên nghiệp cho rằng đất trồng là một yếu tố quan trong có ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của rượu nho. Tốt nhất là loại đất dễ thoát nước tự nhiên. Các giống nho khác nhau cũng đòi hỏi những loại đất khác nhau – như giống nho Chardonnay cần đất có nhiều chất vôi, giống Riesling cần đất có trộn đá, giống Cabernet cần đất có lẫn sỏi nhỏ- quan trọng là đất dễ rút nước và có khả năng tích trữ nhiệt lượng. Ngược lại tại các vùng khí hậu nóng thì vùng có nhiều đất sét và mát rất thuận tiện cho cây nho .
Các cành nho cần ánh nắng và độ ẩm, tuy nhiên ở một mức độ nào đó. Ở các nước về phía nam, nho chín quá lẹ đến nỗi trái nho không đủ thời gian hút các chất khoáng từ đất lên để tạo cho rượu nho sau này có một mùi vị riêng biệt, trước khi đạt nồng độ cân bằng giữa chất đường và acid
Hái nho và kỹ thuật hầm rượu
Trung bình sau 100 ngày kể từ ngày nho trổ bông nguời ta có thể hái nho- ở thời điểm này tỷ lệ đường và acid nho tốt nhất. Ở Ðức người ta đo lượng đường bằng độ Oechsle. Thời gian thâu hoạch nho, tùy thuộc vào thời tiết và loại nho (chín sớm hay trễ) có thể léo dài đến vào trong tháng 11.
Vì chất màu của trái nho đỏ chỉ có trong vỏ của trái nho, theo căn bản đó người ta có thể làm rượu nho trắng bằng loại nho đỏ . Ðể rượu nho khỏi có màu người ta phải ép bỏ bã nho trước khi lên men và bỏ sulfur vào trong nước nho mới ép để ngăn chận các vi sinh. Các con men (có từ vườn nho) bắt đầu lên men và biến các loại đường thành cồn (alcohol) và CO2 . Với chất Sulfuric acid người ta sẽ chặn sự phân hủy acid tư nhiên trong rượu sau khi quá trình lên men chính chấm dứt.
Khác hơn rượu nho trắng, rượu đỏ cần phải cần phải có bã (vỏ nho) trong lúc lên men. Chất màu và chất tannin sẽ hoà dần vào nước nho đang lên men. Khi đã đủ chất tannin người ta bắt đầu lọc bã ra khỏi rượu. Trong thời gian lên men trễ (sau quá trình lên men chính), chất acid bắt đầu bị phân hủy tự nhiên. Trong quá trình này malic acid được chuyển thành lactic acid ít chua hơn.
Các giống nho khác nhau
Ðặc điểm riêng của các giống nho sau đây tạo ra những loại rượu nho nổi tiếng thế giới – dù nguyên chất hay có pha trộn với các loại khác - mùi vị của rượu luôn luôn lệ thuộc vào điểu kiện chung của vùng đất nơi trái nho mọc. Thí dụ như loại nho Cabernet Sauvignon của Pháp khác hơn loại này mọc tại miền bắc Ý hay tại California.
Các giống nho làm rượu nho trắng:
Riesling: giống nho mọc ở Ðức vùng Elsass và ở Áo, cho ra loại rượu có chất lượng cao. Tùy theo thời gian để nho chín trên cây nó cho ra những loại ruợu chát tuyệt hảo. Một chai rượu loại Riesling tốt có thể trữ đến 10 năm
Chardonnay: mọc ở Pháp. Vì không đòi hỏi nhiều nên giống nho này có thể trồng ở khắp mọi nơi. Mùi vị có thể có mùi chua nhẹ - sống động đến thơm - dịu
Gewürztraminer: có mùi thơm như các loại trái cây, hương thào vùng nhiệt đới, được trồng ở Ðức vùng Elsass, Baden, Burgenland.
Grüner Veltiner: giống nho nổi tiếng nhất cuả Áo. Loại này cho ra loại rượu có mùi trái cây - sống động
Pinot blanc, Pinot bianco, Weissburgunder: Các giống nho mọc ở vùng Baden, ở Áo, vùng Alsace, và Ý. Vùng Friaul có những loại rượu rất cao chất lượng
Pinot grigio, Grauburgunder, Ruländer: được trồng ở Ý và vùng Alsace để chễ rượu chát, tại vùng Baden giống nho Ruländer dùng để chế loại rượu có vị ngọt
Sauvignon blanc: giống nho trắng của Pháp với mùi thơm trái cây. Nổi tiếng trong những năm qua là loại rượu Sancerre
Silvaner: loại nho ít mùi vị - tại vùng Franken cho ra nhũng loại rượu đậm mạnh
Các giống nho làm rượu đỏ:
Cabernet Sauvignon: cũng không đòi hỏi nhiều như loại nho Chardonnay. Ðặc điểm của rượu là có mùi như mùi trái red currant. Khi rượu còn non sẽ hơi chát (lượng tannin cao), khi cũ (lâu năm) sẽ có mùi thơm tròn trọn vẹn
Merlot: một loại nho chín sớm. Ở Pháp hoặc Ý loại nho này cho ra các loại rượu uống rất đầm
Pinot noir, Spätburgunder: giống nho khó trồng, đôi khi cho ra những loại rượu Burgunder rất dở
Sangiovese: loại nho tiêu biểu của vùng Toskana. Dùng với loại nho khác để chế rượu Chianti, hoặc dùng để chế Brunello di Montalcino
Rượu nho Ðức
Rượu nho Ðức lệ thuộc vào chất lượng trái nho vì nho ở những vùng này rất khó chín. Tỉ lệ giữa acid và lượng đường tạo cho rượu nho Ðức, như loại Riesling, có những điểm rất khác biệt. Rượu Ðức tốt nhất là mua tại các nơi làm rượu, vì có nhiều loại không thể tìm thấy bán tại các tiệm.
Chất lượng của loại nho Ðức
Theo luật của Ðức rượu được phân biệt theo độ Oechsle * của nước nho
Tafelwein Loại rượu nho đơn giản, cũng như loại rượu pha từ nhiều loại được chế tại Ðức.
Landwein: Rượu chát, mang tên của vùng trồng nho
Qualitäswein bestimmter Anbaugebiete (Q.b. A.) Loại rượu đặc chế với số kiểm tra của bộ. Rượu này trong quá trình chế biến đưọc phép cho thêm một số lượng đường nhất định.
Qualitätswein mit Prädikat (Q.m.P.) Rượu từ nho chín mùi với chất lượng cao nhất với số kiểm tra của bộ. Không được phép cho thêm đường trong lúc chế biến. Loại này được chia theo các hạng sau đây:
Kabinett (67 bis 85 ° Oechsle)
Spätlese (76 bis 95 ° Oechsle), nho hái trễ
Auslese (83 bis 105° Oechsle), nho lựa
Beerenauslese (110 bis 128 °Oechsle ), nho lựa từng trái
Trockenbeerenauslese ( 150 bis 154 °Oechsle), lựa trái nho khô
Eiswein (ít nhất 125 °Oechsle ), nho hái lúc đông đá
Một loại rượu đặc biệt của Ðức được chế bằng loại nho bị đông đá ngoài cây với nhiệt độ ít nhất là – 8°C. Lương nước trong trái nho bị đông lạnh, và nước nho (đường, acid) được cho lên men.
Các vùng nổi tiếng
Ðức là nước sản xuất rượu nho trắng. 88 % nho mọc ở đây dùng để chế rượu nho trắng.
Mosel, Saar và Ruwer:
Khoảng 55% số đất ở đây được trồng Riesling. Bên cạnh loại nho này còn có loại Mueller-Thurgaụ. Ở thượng lưu sông Mosel, phiá Luxembourg có loại nho Elbling, dùng để chế rượu nho thường Tafelwein.
Rheingau:
Trong lịch sử vùng này là vùng trồng nho có tiếng nhất, vì những vùng chung quanh Ruedesheim và Oestrich có khí hậu cũng như ánh sáng rất thuận lợi. Giống nho trồng ở đây cũng là Riesling
Rheinhessen
Vùng trồng nho lớn nhất, bị mang tiếng chuyên sản xuất các loại rượu rẻ. Thế nhưng cũng có những nhà trồng nho sản xuất các loại rượu chất lượng như ở quanh vùng Nackenheim hoặc là Nierstein. Các loại nho ở đây là Riesling, Mueller- Thurgau, và Silvaner.
Rheinpfalz
Vùng này nhỏ hơn vùng Rheinhessen thế nhưng số thâu hoạch lại cao nhất. Cũng như ở vùng Mosel, ở đây phần nhiều người ta trồng Riesling. Nho ở đây ít chua hơn, nhưng có nhiều hương vị đậm đà.
Franken
Giống Silvaner và Mueller Thurgau cho ra các loại rượu có chất lượng cao. Khi đi du lịch, nếu ghé qua các nhà sản xuất rượu nho tại vùng này chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị
Baden
Bên cạnh các giống nho chế rượu nho trắng như Mueller-Thurgau và Grauburgunder cũng nên nhắc đến giống nho Spaetburgunder. Những trái tốt của loại này tại vùng Burgund cho ra các loại rượu ít chất acid và có chất lượng cao.
Wuerttemberg
Cho dù vùng này không lớn nhưng dân chúng ở đây đánh giá rất cao rượu của họ vì người dân tại vùng này uống rượu nhiều gấp đôi so với một người Ðức trung bình. Tiêu biểu cho vùng này là loại rượu nho đỏ làm từ giống nho Trollinger và Schwarzriesling cũng như loại rượu trắng Riesling và Muskateller.
Chú thích: 1° Oechsle bằng khoảng 2,1 g đường / lít nước nho
Pháp - Quốc gia của rượu nho:
Với gần một triệu mẫu nho, thế nhưng Pháp vẫn đứng sau Tây ban nha và Ý đại lợi. Tuy nhiên, số thâu hoạch vào những năm được mùa vẫn nhiều hơn Ý hoặc Tây ban nha.
Những loại rượu Pháp sản xuất xếp từ loại sang trọng nhất, mắc nhất cho đến loại rẻ mạt uống thường
Không như Ðức, rượu Pháp được xếp hạng theo nguồn gốc nơi sản xuất thí dụ như:
Vin de table : Rượu phải được sản xuất tại Pháp
Vin de Pays : Có mang tên vùng sản xuất, thế nhưng loại rượu này không được phép gọi là „Château“ hoặc là „Clos“
VDQS –Vins délimités de qualité superieur : Các vùng sản xuất rượu theo những tiêu chuẩn nhất định được phép dán nhãn hiệu này trên rượu
AOC –Appellation d´origine contrôllée : Chỉ dành cho các loại rượu từ các vùng mà AOC được nhà nước công nhận. Sự kiển soát chặt chẽ sẽ bảo đảm chất lượng tối thiểu cũng như những đặc điểm của rượu. AOC thường chỉ cấp cho các vùng trồng nho lớn như Bordeaux.
Những vùng trồng nho quan trọng:
Bordeaux dùng để gọi các loại rượu sản xuất từ Bordelais, một vùng bao bọc quanh điểm giao giữa Garonne và Dordogne. Với 100. 000 mẫu nho, Bordelaise là một vùng đất nối liền lớn nhất sản xuất rượu chất lượng. Rượu bordeaux phần nhiều được làm từ nhiều loại nho khác nhau hợp lại. Rượu đỏ được làm từ Cabernet Sauvignon, Merlot và Carbernet franc, rượu trắng được làm từ Sémillon, Sauvignon blanc và Muscadelle. Thành phần của từng loại nho sẽ xác định đặc tính riêng của rượu.
La Loire bao gồm bốn vùng trồng nho và sản xuất những loại rượu rất khác nhau. Ðây là vùng cuả rượu Muscadet, một loại rượu nhẹ, ít acid và rất hợp với đồ biển. Trong những năm qua rượu Sancerre trắng trở nên thịnh hành. Loại này được ép từ loại nho Sauvignon blanc như loại rượu Pouilly-Fumé
Vùng Alsace có một vị trí đặc biệt trong các vùng trồng nho của pháp. Cách phân loại rượu ở đây không lệ thuôc vào vùng và nơi sản xuất mà lệ thuộc vào giống nho. Ở đây người ta sản xuất phần nhiều là rượu nho trắng. Bên cạnh loại rươu có tiềng là Edelzwicker và các loại vin de table từ các loại nho Sylvaner, Pinot blanc và Chasselas còn có các loại như Rieslinge, Gewürztraminer và Muscat d´Alsace.
Vùng Burgund luôn cạnh tranh với Bordeaux là vùng nào đang có loại rươu ngon! Ở đây họ chỉ trồng có 4 loai nho: Pinot noir hoặc là Gamay để chế rượu đỏ và Chardonnay hoặc là Aligoté để chế rượu trắng. Năm vùng trồng nho nổi tiếng của Burgund là Chablis, Côte d´Or, Côte Chalonnaise, Mâconnais, và ở miền nam Beaujolais.
Vùng Rhôntal, với chiều dài là 200 km, sản xuất nhiều loại rượu khác biệt vì ảnh hưởng khí hậu trong vùng khác nhau. Rượu Syrah đậm màu được sản xuất tại đây. Loại rượu nổi tiếng là Chateauneuf du Pape được chế từ 13 loại nho đỏ và trắng.
Languedoc Roussillon được gọi là vùng rượu đỏ của Pháp. Trải dài từ đồng bằng sông Rhône dọc theo bờ địa trung hải cho đến dãy núi Pyrenees (dãy núi giữa Pháp và Tây ban nha) thì đây là vùng trồng nho đỏ liên tục lớn nhất thế giới. Bên cạnh những loại rượu rẻ tiền họ còn sản xuất những loại rượu nổi tiếng. Corbières, loại rươu nho đỏ thơm nhiều cồn và nhiều tannin cũng như loại rượu dessert Roussillon nổi tiếng.

Friday, October 26, 2007

Hơn 650 triệu đồng quà Tết Đinh Hợi tặng CNLĐ khó khăn


(LĐ) - Hội đồng quản lý Quỹ TLV Lao Động vừa quyết định tặng 1.725 suất quà tết hỗ trợ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn ở 52 tỉnh, thành phố và 5 CĐ ngành, đây là quà tết của quỹ hỗ trợ các gia đình CNLĐ bị TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng.

Số quà trên được chuyển về các LĐLĐ tỉnh, các CĐ ngành để trao tận tay CNLĐ cần được giúp đỡ. Đây là năm thứ hai, Quỹ TLV Lao Động tập trung ưu tiên các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi để tăng thêm các phần quà tết cho CNLĐ nghèo, không dàn trải.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, Quỹ TLV Lao Động sẽ tặng 1.100 suất quà hỗ trợ động viên các bệnh nhân nghèo ở một số bệnh viện lớn, mỗi suất quà trị giá 50.000 đồng; đồng thời, phối hợp với LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tổ chức trao 800 suất quà tết cho CNLĐ tại các KCN không có điều kiện về quê ăn tết. Tổng số tiền hỗ trợ cho chương trình quà Tết Đinh Hợi là khoảng 650 triệu đồng.

K.Chung

Giỏ quà Tết


Đa số các giỏ quà Tết có 4 nhóm cơ bản: trà, bánh mứt kẹo, nước giải khát hoặc rượu, thực phẩm chế biến sẵn, ăn liền... Với những giỏ quà giá cao, điểm nhấn thường nằm ở hộp bánh, chai rượu hay hộp chocolate đắt tiền.


Do giá các loại bánh, kẹo, thực phẩm đóng hộp... đều tăng khoảng 10% nên so với năm ngoái, giá giỏ quà Tết gói sẵn cũng tăng tương ứng. Nhiều nhà sản xuất, siêu thị, cửa hàng đang tung ra những mẫu quà dạng hộp, túi, giỏ tiện dụng cho người mua dùng làm quà tặng.

Mua quà gói sẵn

Các siêu thị, cửa hàng bách hoá thực phẩm… đều có một số giỏ quà mẫu, có ghi rõ loại và giá của món hàng bên trong. Năm nay, các điểm bán đều đẩy mạnh quảng cáo cho giỏ quà Tết bằng các tờ rơi, poster hoặc đưa thông tin lên trang web cho khách tham khảo. Giá cả tùy vào "quy mô", từ 100.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng. Khách hàng có thể gọi điện thoại đến để đặt hàng, và yêu cầu giao hàng tận nhà. Nhiều điểm bán có hình thức giảm giá ưu đãi cho khách mua nhiều làm quà biếu, tặng.

Khéo chọn lựa

Nhà sản xuất đã thiết kế sẵn các "bao bì Tết" với hình thức hộp thiếc, hộp giấy bóng, hộp gỗ... in hình ảnh, màu sắc bắt mắt nên người tiêu dùng có thể dùng làm quà biếu ngay, khá tiện dụng. Tuy nhiên, so về mức giá, hàng có bao bì tết đắt hơn gấp 2-3 lần. Chẳng hạn, cùng một loại bánh Cookies, loại bao giấy giá chỉ khoảng 17.000 đồng/gói, hộp thiếc giá khoảng 40.000 đồng.

Kinh nghiệm chọn quà Tết của bà Nghiễm, ngụ tại quận Tân Bình là: "Nên mua hàng rời rồi đặt nơi bán gói để có thể xem kỹ hạn sử dụng, kiểm tra được món hàng cho đúng ý, ngoài ra còn có thể nhận được quà tặng, quà khuyến mãi đi kèm như ly, tách, tô, nĩa…".

Quầy dịch vụ khách hàng của các siêu thị đã chuẩn bị nhiều mẫu giấy gói quà, nơ và giỏ quà mới, giá 6.000-10.000 đồng/giỏ, nơ đồng giá 4.000 đồng/cái.

Khi chọn mua sản phẩm, chú ý phối hợp các kích cỡ, dạng hộp vuông - tròn - cao - thấp... để giỏ quà gói đẹp và dễ sắp xếp. Không nên dùng keo "dán sắt" khi gói, làm cho các món trong giỏ quà dễ bị hư hỏng khi tháo rời.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Thursday, October 25, 2007

Các mặt hàng Tết đang tăng giá chóng mặt

(VietNamNet) - Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nên thực phẩm, bánh kẹo, bia rượu... đều đang trên đà tăng giá và chắc chắn còn tiếp tục tăng nữa. Cuộc cạnh tranh trên thị trường Tết đã đến hồi ''nóng''.

Soạn: AM 258177 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Chọn mua hàng thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: Nguyên Vũ.

Giá các loại thực phẩm trên thị trường đều đang tăng mạnh. Trên thị trường Hà Nội hiện nay, các loại lương thực, thực phẩm đều tăng hẳn so với thời điểm nửa tháng trước. Giá gạo tẻ thường đã tăng từ 4.200 đồng/kg lên 4.500 đồng/kg, gạo bắc thơm càng tăng mạnh hơn với mức giá 6.000 đồng lên 6.500 đồng/kg.

Trước nguy cơ lây lan của dịch cúm gia cầm, giá thịt lợn và thịt bò trong những ngày gần đây đang tăng rất mạnh. Giá thịt lợn nạc loại ngon đã tăng từ trên 40.000 đồng/kg lên trên dưới 50.000 đồng/kg. Giá thịt bò cũng đã tăng lên trên 80.000 đồng/kg. Giá các loại gà, ngan, vịt mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm nhưng cũng không có dấu hiệu giảm. Tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá gà sạch (đã qua chế biến) bán ra là trên dưới 60.000 đồng/kg. Cùng trong guồng tăng giá này là các hải sản tươi sống, giá các loại tôm, cá... bán tại chợ đều đang tăng từng ngày.

Ông Thái Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Seiyu cho biết: ''Phần nhiều các mặt hàng Tết của chúng tôi đều giữ giá. Tuy nhiên, một số mặt hàng đã xuất hiện tình trạng cháy hàng nên bắt buộc chúng tôi phải tăng giá như hạt dẻ cười. Hiện, sức mua của người dân đã tăng chừng 50-70% so với ngày thường và dự tính còn tiếp tục tăng mạnh trong những ngày giáp Tết''.

Ngoài các mặt hàng thực phẩm, các loại bia Tết vẫn tiếp tục leo giá trên dưới 10% từ đầu tháng 1 đến nay. Hiện nay, một két bia Heineken đã tăng đến 250.000 đồng (tăng khoảng 7.000-8.000 đồng/két so với thời điểm đầu tháng 1). Giá bia Hà Nội cũng tăng tương tự với giá hiện tại là 140.000-143.000 đồng/két. Bia Tiger hiện ở mức 196.000-198.000 đồng/két.

Theo dự đoán của các nhà quản lý thương mại, sức mua sắm của người dân trong dịp Tết Ất Dậu này sẽ tăng hẳn so với các năm trước do nhiều tác động khách quan như tăng lương, lượng kiều hối về nhiều... Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã xây dựng kế hoạch tăng doanh thu trên 20% so với Tết năm ngoái và dự kiến doanh thu thực tế sẽ còn tăng mạnh hơn. Theo ông Vũ Vinh Phú, Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, mức lưu chuyển hàng hoá trong dịp Tết Ất Dậu của Hà Nội sẽ tăng trên 20% so với dịp Tết Giáp Thân năm ngoái.

  • Phương Thanh

Wednesday, October 24, 2007

Phong tục lễ quà tết và mừng thọ đầu năm

Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục dân tộc ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng qúy. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, biểu lộ ân nghĩa tình cảm là điều đáng qúy.

Học trò Tết thầy giáo, bệnh nhân Tết thầy thuốc, con rễ Tết bố mẹ vợ.

Quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo số tiền mua. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm. Không có quà, ngại không dám đến. Dân ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng tình nghĩa. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

Lễ mừng thọ

Ở các nước phương Tây thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở nước ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, cửu tuần tính theo tuổi âm lịch. Ngày Tết cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương “Tứ dân bách nghệ” ai cũng muốn năm mới vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay vào việc sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà.

Sau ngày mồng một dù có ngày vui Tết, hoặc có kế hoạch du xuân, đón khách cũng chọn ngày “Khai nghề”, “Làm lấy ngày”.

Nếu như ngày mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu.

Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm dụng cụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dù người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

(Theo Sức khoẻ & Đời sống)